Các thời kỳ trong lịch sử Nhật Bản
Thời tiền sử (từ năm thứ 300 sau công nguyên trở về trước): bao gồm
thời kỳ đồ đá (旧石器時代) trước năm 10.000 trước CN,
thời kỳ Jyomon (縄文時代) từ năm 10.000 trước CN đến năm thứ 300 trước CN, và
thời kỳ Yayoi (弥生時代) từ năm 300 trước CN đến năm 300 sau CN.
Thời kỳ Kofun (古墳時代: 300-710): Đặc điểm của thời kỳ này là rất nhiều lăng tẩm lớn được xây dựng, cho thấy sự phân tầng của xã hội nông nghiệp thừa hưởng từ thời Yayoi. Thời kỳ Kofun chứng kiến sự du nhập của Phật giáo cùng với hệ thống chữ viết của Trung Quốc từ lục địa châu Á và sự lớn mạnh của triều đình Yamato – một triều đình hùng mạnh lập nên nhà nước thống nhất đầu tiên của Nhật Bản.
Daisenryo-kofun (大仙陵古墳) ở Osaka
Trang phục nam và nữ thời kỳ Kofun
Thế kỷ cuối cùng trong thời kỳ Kofun gọi là
thời kỳ Asuka (飛鳥時代) và thường được coi là giai đoạn lịch sử đầu tiên của Nhật Bản. Trong thời kỳ này có một loạt những cải cách về cơ cấu, đáng lưu ý nhất là cuộc cải cách Taika, lập nên một nhà nước tập quyền dựa theo hình mẫu của Trung Quốc.
Chùa Houryuji (法隆寺: Pháp Long Tự) xây từ thời Asuka
Thời kỳ Nara (奈良時代: 710-794): Việc thành lập thủ đô Heijyokyo (平城京) ở Nara đánh dấu sự bắt đầu của thời kỳ Nara, mà đặc điểm nổi bật là hệ thống tập quyền Ritsuryo (律令: luật lệnh) theo kiểu Trung Quốc và tích cực du nhập những yếu tố trong văn hóa và kỹ thuật Trung Quốc. Phật giáo được chính thức thừa nhận là quốc đạo và các đền chùa được xây dựng trên toàn Nhật Bản nhằm tạo chỗ tựa cho quyền lực của nhà nước trung ương.
Tiền phát hành thời kỳ Nara: Wadōkaichin (和同開珎)
Thời kỳ này cũng chứng kiến sự phát triển của những hình thức nghệ thuật gọi là “văn hóa Tempyo” tập hợp những biên niên sử đầu tiên của Nhật Bản, và tuyển tập thơ vĩ đại đầu tiên của Nhật Bản là Man’yoshu (Vạn diệp).
Đại Phật chùa Todaiji (東大寺: Đông Đại Tự) ở Nara
Thời kỳ Heian (平安時代: 794-1185): Bắt đầu với việc dời thủ đô về Heiankyo (Kyoto). Đây là thời kỳ hấp thụ những ảnh hưởng của Trung Quốc và sự phát triển của một nền văn hóa quý tộc bản địa. Sự phát triển của chữ Hiragana của Nhật Bản đã sản sinh ra một truyền thống văn học thực sự của bản địa, trong đó có nhiều tác phẩm văn thơ xuất sắc.
Mô hình hậu cung thời kỳ Heian
Về mặt chính trị, đặc điểm của thời kỳ này là hoàng gia bị chi phối bởi những vị quan nhiếp chính của dòng họ Fujiwara. Trong thời kỳ này, quyền lực của các lãnh chúa gia tăng, nhiều lãnh địa riêng được thiết lập và kết quả làm tan rã chế độ tập quyền Ritsuryo.
Thời kỳ Kamakura (鎌倉時代: 1185-1333): Chiến thắng của Minamoto no Yoritomo trong cuộc chiến tranh Taira-Minamoto là điểm khởi đầu cho thời kỳ này và sự gia tăng quyền lực chính trị của tầng lớp lãnh chúa. Chính quyền tướng quân Kamakura là chính quyền đầu tiên trong một loạt các chính quyền quân sự thống trị Nhật Bản cho tới giữa thế kỷ 19.
Minamoto no Yoritomo
Thời kỳ Muromachi (室町時代: 1333-1568): Đây là kỷ nguyên của thành tựu văn hóa vĩ đại và tình hình xã hội bất ổn liên miên. Trong những thập kỷ đầu tiên của thời kỳ này xảy ra xung đột giữa 2 phe hoàng gia đối địch tranh quyền thống trị. Chính quyền tướng quân không thể kiềm chế những tham vọng của các sứ quân hùng mạnh nên cuối cùng sụp đổ hoàn toàn sau cuộc chiến tranh Onin kéo dài đến 1 thế kỷ. Trong khi đó, nhiều hình thức nghệ thuật mới phát triển như No và Kyogen, cũng như các nghệ thuật như trà đạo, cắm hoa…
Chùa Vàng (金閣寺: Kinkakuji) được xây dựng trong thời Muromachi
Thời kỳ Azuchi-Momoyama (安土桃山時代: 1568-1603): Thời kỳ này được xác định bởi sự lớn mạnh của 3 nhân vật bá chủ liên tiếp là Oda Nobunaga, Toyotomi Hideyoshi và Tokugawa Ieyasu, người đã thống nhất chính trị Nhật Bản sau 1 thế kỷ nội chiến. Thành quách được xây dựng trên toàn quốc nên nghệ thuật trang trí phát triển mạnh. Trong thời kỳ ngắn ngủi này, Nhật Bản cũng đã biết đến văn hóa phương Tây thông qua việc tiếp xúc với các thương nhân và nhà truyền giáo nước ngoài.
Oda Nobunaga
Thời kỳ Edo (江戸時代: 1603-1868): Thắng lợi trong trận chiến Sekigahara đã khẳng định quyền bá chủ của Tokugawa Ieyasu trên toàn Nhật Bản, bắt đầu thời kỳ Edo. Hòa bình kéo dài 2 thế kỷ dưới chính quyền tướng quân Tokugawa, trong đó thiết lập một cơ cấu chính trị gọi là Bakuhan và cô lập Nhật Bản trước những ảnh hưởng của nước ngoài thông qua chính sách bế quan tòa cảng.
Tokugawa Ieyasu
Tư tưởng tư sản mạnh mẽ của giới thương gia trong thời kỳ này được thể hiện trong các hình thức kịch nghệ như Kabuki và Bunraku, trong thể loại văn học gọi là Gesaku, và trong các thể loại nghệ thuật khác như Ukiyo-e.
Thời kỳ Meiji (明治時代: 1868-1912): Nhật Bản bắt đầu bước vào xã hội công nghiệp hiện đại nhờ Minh Trị Duy tân. Việc hủy bỏ các giai cấp phong kiến và đặt ra chế độ giáo dục phổ cập giúp tạo lập một xã hội quốc gia thống nhất. Hiến pháp hoàng triều Nhật Bản năm 1889 đã lập nên chính phủ hạ viện đầu tiên tại châu Á.
Thiên Hoàng Minh Trị
Trong thời gian nửa sau của thời kỳ này, Nhật Bản nổi lên như một cường quốc đế quốc với những chiến thắng trong chiến tranh Nhật-Trung 1894-1895, chiến tranh Nga-Nhật và việc sáp nhập Triều Tiên vào năm 1910.
Thời kỳ Taisho (Đại Chính; 大正時代: 1912-1926): Các phong trào công đoàn và cánh tả phát triển mạnh trong sự bùng nổ kinh tế nội địa mạnh mẽ nhờ Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Các phong trào dân chủ trong thời kỳ này, thường được gọi là Phong trào dân chủ Taisho, được ủng hộ nhờ sự nổi lên của tầng lớp trung lưu thành thị có học thức và sự lớn mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng mới như đài phát thanh, sách báo, tạp chí với số lượng phát hành lớn.
Các nữ sinh thời kỳ Taisho
Tuy nhiên, cuối cùng sự xuống dốc về kinh tế và những biện pháp độc tài như việc ban hành luật an ninh trật tự năm 1925 và mở rộng lực lượng cảnh sát đặc biệt bắt đầu làm xói mòn những thành quả đạt được qua sự thử nghiệm đầu tiên của Nhật Bản đối với tiến trình dân chủ.
Thời kỳ Showa (Chiêu Hoà; 昭和時代: 1926-1989): Đây là một trong những thời kỳ nhiều biến động nhất trong lịch sử Nhật Bản. Trong vài thập kỷ đầu thời kỳ này, các chính trị gia cánh hữu theo đường lối dân tộc cực đoan và các sĩ quan quân đội nắm quyền kiểm soát, tiến hành đàn áp chính trị trong nước và thúc đẩy tiến trình bành trướng quân sự của Nhật ở châu Á, dẫn đến chiến tranh Trung-Nhật năm 1937 và rồi tham gia Thế chiến II.
Thất bại của Nhật dẫn đến thời kỳ chiếm đóng của quân đội đồng minh và các cuộc cải cách dân chủ, trong đó có việc ra đời Hiến pháp mới của nước Nhật. Trong những thập niên sau chiến tranh, Nhật Bản phục hồi và tái nhập vào cộng đồng quốc tế.
Tháp Tokyo khởi công năm 1958, tượng trưng cho
nền kinh tế phát triển đến đỉnh cao của Nhật
Sự tăng trưởng kinh tế đến kinh ngạc đã đưa Nhật Bản trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhất thế giới vào cuối thời kỳ này.
Thời kỳ Heisei (Bình Thành; 平成時代: 1989- ): Nhật hoàng Akihito lên nắm quyền sau khi cha ông là Nhật hoàng Hirohito qua đời vào ngày 7/1/1989. Tên Heisei có nghĩa là duy trì hòa bình trên thiên đường và trái đất, trong nước và trên thế giới. Đây là lần đầu tiên tên đặt cho một thời kỳ được lựa chọn và chính thức công nhận theo luật Gengo năm 1979.
Thời kỳ Heisei bắt đầu vào lúc đỉnh cao của nền kinh tế thổi phồng. Với việc kết thúc thời gian cầm quyền độc đảng của đảng Dân chủ tự do, đặc điểm của chính trị Nhật Bản trong thời kỳ này là có nhiều chính phủ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, thay đổi các liên minh, và thành lập nhiều chính đảng mới.
Nhật hoàng Akihito
Trong bối cảnh các nước thế giới ngày càng trở nên phụ thuộc lẫn nhau, Nhật Bản đã nỗ lực quốc tế hóa xã hội của mình và tham gia gánh vác trách nhiệm quốc tế nhờ sức mạnh kinh tế của Nhật.