Ofuro: bồn tắm kiểu Nhật
Bồn tắm, tiếng Nhật là furo (風呂), gọi theo cách trang trọng là Ofuro (お風呂), dùng để chỉ bồn tắm dùng trong mỗi gia đình ở Nhật. Tắm bồn là phong tục từ xa xưa của người Nhật, khi đó furo hầu hết được làm bằng gỗ hinoki (檜: cây bách Nhật), rất bền và chắc.
Đến bây giờ, không còn mấy gia đình dùng gỗ hinoki để làm furo nữa, phần vì hiện nay có rất nhiều bồn tắm phương Tây du nhập vào Nhật, một phần nữa - phần này có lẽ quan trọng nhất, đó là furo làm từ gỗ hinoki rất đắt chỉ có nhà giàu, những ngôi nhà truyền thống và những nhà nghỉ (ryoukan) là sử dụng thôi.
Theo truyền thống, nước nóng trong bồn sẽ được giữ qua đêm, sang ngày hôm sau mới thay nước mới, và cả gia đình sẽ cùng dùng chung nước nóng đó, nên nhất thiết các thành viên phải tắm rửa thật sạch sẽ rồi mới được vào bồn. Tất nhiên, người đứng đầu gia đình sẽ là người dùng furo đầu tiên, cuối cùng là thành viên nhỏ nhất trong gia đình. Có thể thấy furo trong quan niệm của người Nhật không phải dùng để tắm, mà
dùng để ngâm mình thư giãn sau cả ngày làm việc học hành căng thẳng.
Furo của Nhật không giống như của phương Tây, nó được thiết kế sâu hơn, khoảng 0,6m, thành bồn cũng không vát hay được mài tròn, mà vuông thành sắc cạnh như khối hình chữ nhật. Furo ngày xưa thì thường được ghép từ các mảnh gỗ hinoki dài, nhờ các đai tròn bên ngoài giúp các mảnh gỗ khít lại, nước không chảy ra được. Vì bồn kiểu này rất cao, rất khó để ngồi xuống mà không bị ngập nước, nên trong bồn sẽ có một phần gỗ thừa ra dùng để ngồi.
Đối với các Ofuro truyền thống, không chỉ có furo làm từ hinoki, cả những vật dụng dùng khi tắm cũng được làm bằng hinoki nữa đó. Đó là Oke (桶) - cái chậu hoặc gáo nước dùng để dội rửa, Isu (椅子) - ghế ngồi khi kỳ cọ thân thể, và một thứ nữa mà các gia đình quý tộc rất hay dùng: Kaoridama (香り玉) – bóng thơm cho vào nước tắm để tạo mùi thơm đặc trưng của gỗ hinoki. Ít gia đình Nhật ngày nay sử dụng nữa mà thay vào đó họ dùng furo bằng sứ hoặc nhựa acrylic, các vật dụng khác hầu hết đều bằng nhựa.
Để được ngâm mình trong Ofuro, các bạn phải tuân thủ nghiêm ngặt từng bước sau:
1. Tắm rửa sạch sẽ bằng xà phòng, nhớ kỳ cọ kỹ vào, sau đó rửa sạch thật sạch xà phòng trên người, không được mang xà phòng vào trong furo đâu đấy.
2. Bước từ từ vào trong bồn để cảm nhận cái nóng của nước. Người Nhật thích tắm nước hơi nóng hơn bình thường một chút, nếu bạn không thích nóng quá thì có thể thêm nước lạnh, nhưng thêm vừa vừa thôi, đừng có để nó nguội, vì người sau mình cũng sẽ ngâm mình trong làn nước ấy đấy.
3. Sau khi đã ngâm mình thư giãn đủ trong furo, nhớ đừng có tháo nước. Bạn có thể tắm lại bằng vòi sen nếu thích.
Ngày xưa, để giữ nước nóng cho đến khi người cuối cùng vào tắm, thường là từ 38 đến 42 độ C, những người phụ nữ trong gia đình phải lo chất củi vào lò đặt dưới furo để đun, phải trông cẩn thận không để cho nước nóng quá hoặc nguội quá, nóng quá thì sẽ bị bỏng, mà nguội quá thì sẽ bị cảm, thế mới biết người phụ nữ Nhật Bản thời xưa đảm đang và khéo léo thế nào. Ngày nay, họ chỉ cần bật bình nóng lạnh lên là đã có ngay nước nóng cho mọi người mà không lo nước có vừa hay không, ai thích nước nóng theo ý mình có thể điều chỉnh được ngay.
Theo Ichinews